Xây dựng nền sản xuất tự chủ, cạnh tranh cao trên nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo
Đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp và thương mại, ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng và thế mạnh… là một trong những định hướng của Bộ Công Thương trong thời gian tới...
Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được đẩy mạnh trong các lĩnh vực sản xuất.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương được giao chủ trì 9 chương trình, đề án khoa học và công nghệ các cấp. Các nhiệm vụ trong giai đoạn này tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
80% DOANH NGHIỆP LỚN ĐỔI MỚI SẢN PHẨM, QUY TRÌNH
Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay đã có hơn 80% doanh nghiệp lớn và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ độc lập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của nội tại doanh nghiệp.
Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp cũng từng bước được nâng lên. Một số ngành, lĩnh vực đang tiệm cận với trình độ công nghệ của khu vực và thế giới, như: Lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, năng lượng - điện.
Không ít các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiên phong trong xu hướng ứng dụng công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số với hiệu quả hết sức tích cực, mang đến diện mạo, năng lực mới cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ đã đóng góp quan trọng vào những thành tích ấn tượng của ngành công thương những năm qua. Đó là sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nền sản xuất công nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao.
Bên cạnh đó, một số ngành có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 500 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020… tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của đất nước…
ƯU TIÊN CHÍNH TRONG ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền sản xuất tự chủ và có tính cạnh tranh cao giai đoạn 2021-2030, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết ngành Công thương đặt ra một số ưu tiên, định hướng quan trọng.
Thứ nhất, nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương. Đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hội nhập hiện có.
Đồng thời, đề xuất các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực, phân bố không gian công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, logistics theo yêu cầu của tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn (trong nước và quốc tế) đề xuất các phương án, kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, và đến 2030. Đưa ra các phương án và giải pháp thực hiện việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất. Cấu trúc lại không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn ngành.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển vùng, phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp và cụm liên kết ngành công nghiệp dựa trên nền tảng là các Khu (khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...).
Nghiên cứu, cung cấp luận cứ đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị.
Xây dựng phương án tái cấu trúc các khu công nghiệp và khu kinh tế để hỗ trợ tốt nhất cho hình thành các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá dựa trên khả năng kết nối chuỗi giá trị và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp.
Thứ hai, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 – 2030. Cụ thể, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giầy giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến. Thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Xác định các công nghệ chiến lược và lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ từ cuộc Công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.
Tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp và thương mại, ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong quá trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do.
Tags:
đổi mới sản phẩm hoặc quy trình
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành công thương
ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp
ứng dụng phát triển công nghệ trong thương mại
Tin cùng chuyên mục