Xây dựng hình ảnh cá nhân vào đề thi học sinh giỏi văn quốc gia 2023
Đề thi môn ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 như sau:
"Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)Người xưa có câu: "Hữuxạ tự nhiên hương".Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên".
Đề thi học sinh giỏi Văn quốc gia 2023 (Ảnh: Rubik văn chương).
Cô Đình Thị Thủy - Trưởng bộ môn ngữ văn tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho biết, cô hứng thú với đề thi này vì đề yêu cầu học sinh phải tiếp thu những tinh hoa, quan điểm nhân văn, tích cực của cha ông ta nhưng đồng thời phải có cách nhìn nhận, sáng tạo phù hợp với đời sống hiện đại.
Câu nghị luận xã hội giúp học sinh có cơ hội thể hiện tư duy phản biện. Bởi vì, quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương" từ xưa đến nay được xem như một thông điệp có ý nghĩa, sâu sắc hướng con người chú trọng đến phẩm chất và năng lực, tài năng thực sự của mình để lan tỏa giá trị.
Tuy nhiên, hiện nay, "hữu xạ tự nhiên hương" đôi khi không còn mang tính quyết định nữa. Học sinh có thể phản biện theo hướng dù một người có tài nhưng không biết xây dựng hình ảnh, không linh hoạt thích ứng và có cái nhìn thực tế trong thời hiện đại thì sẽ dễ bị người khác lấn lướt.
Sau đó, học sinh rút ra kết luận rằng quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương" vẫn đúng, phẩm chất và tài năng thực sự luôn là yếu tốt cần có nhưng với tốc độ phát triển của truyền thông, người tài cần có sự sáng tạo, cách thức để lan tỏa giá trị bản thân phù hợp với thời đại.
Ở câu hỏi thứ hai, vấn đề bản chất của văn học là nhà văn thu lượm được những trải nghiệm trong cuộc đời và tạo nên nét riêng cho mình cũng giống như những câu lý luận tương tự đã được đề cập đến trong các đề thi học sinh giỏi trước đây.
Tuy nhiên, đề thi này nhấn mạnh vào tính sáng tạo và tính điển hình của nhà văn trong văn chương. "Học sinh phải "xoáy" được nhiều nhất vào sự trải nghiệm của nhà văn giúp thu lượm tri thức, giá trị trong cuộc đời để sau đó chắt lọc, chưng cất những "giọt mật đời".
Trong tác phẩm, nhà văn phải có dấu ấn thời đại mang những giá trị với cuộc đời nói chung, đó là "giọt mật đời", nhưng trong "giọt mật đời" phải thấm giọt mồ hôi và huyết lệ của tác giả. Tôi nghĩ vấn đề đặt ra trong đề bài vẫn động chạm đến quy luật tất yếu của văn chương là tính điển hình và tính sáng tạo", cô Thủy nhận xét.
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Tin cùng chuyên mục