22/07/2024 14:36

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã từ trần vào hồi 13h38 ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có Thông cáo đặc biệt về tổ chức Lễ Quốc tang đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần 13h38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày: 14/4/1944; quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn.

Ông giữ các chức vụ: Tổng Bí thư khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 8 (từ 12/1997), 9, 10, 11, 12, 13; Thường trực Bộ Chính trị (8/1999 - 4/2001); Ủy viên Trung ương Đảng khóa 7 (từ 1/1994), 8, 9, 10, 11, 12, 13; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (10/2018 - 4/2021); Chủ tịch Quốc hội khóa 11 (từ 6/2006), 12; Bí thư Quân ủy Trung ương (từ 1/2011); Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương (từ 8/2016); Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (từ 2/2013); Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14 ,15.

Từ một sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng từ địa phương đến Trung ương và giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong nhiều nhiệm kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có thời gian dài làm việc tại Tạp chí Cộng sản, từ cán bộ biên tập cho đến Tổng Biên tập.

Giữa năm 1996, ông trở thành Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và giữ vị trí này trong khoảng 2 năm, trước khi được giao phụ trách công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo của Đảng.

Sau hơn 7 năm giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998-8/2006), ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội các khoá 12, 13, 14 trong 6 năm.

Giữa năm 2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này trong một nhiệm kỳ.

Từ đầu tháng 1/2011 đến nay, ông là Tổng Bí thư các khóa 11, 12, 13, Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ 2/2013 (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Trong khoảng thời gian này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời chức vụ Chủ tịch nước hơn 2 năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2021).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng vào tháng 2/2023.

Mới đây, vào ngày 18/7, ông được trao tặng Huân chương Sao Vàng vì có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

TinVụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Kê biên khối tài sản kếch xù của bà Trương Mỹ LanTheo VietNamNet

Tags:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tin cùng chuyên mục