07/11/2022 13:09

Thiên thạch khổng lồ sắp bay sát Trái đất, NASA đang theo dõi sát sao

 

Thiên thạch khổng lồ sắp bay sát Trái đất, NASA đang theo dõi sát sao

Mặc dù phần lớn các vật thể đi ngang qua sẽ không khiến Trái đất rơi vào diệt vong như trong phim viễn tưởng nhưng theo các nhà khoa học, chúng vẫn có rất nhiều tác động đến Trái đất, buộc chúng ta phải cảnh giác - Ảnh: GETTY

Thiên thạch được các nhà khoa học của NASA gọi là 2022 RM4, có đường kính ước tính từ 1.083 đến 2.428 feet (330 và 740m), xấp xỉ chiều cao của tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay là Burj Khalifa (cao 828m).

2022 RM4 sẽ bay qua Trái đất với tốc độ khoảng 84.500km/h, khoảng 68 lần tốc độ âm thanh.Dự kiến ngày 1-11, thiên thạch này sẽ tiếp cận Trái đất ở khoảng cách gần nhất là 2,3 triệu km. Theo tiêu chuẩn vũ trụ, đây là một biên độ rất nguy hiểm.

NASA xếp tất cả các vật thể không gian tiến đến cách Trái đất trong vòng 193 triệu km là "vật thể gần Trái đất" và trong phạm vi 7,5 triệu km là "có khả năng rất nguy hiểm".

Sau khi xác định được mối đe dọa tiềm ẩn, các thiên thạch được các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm sai lệch so với quỹ đạo, nhằm dự đoán các mối nguy hại có thể xảy ra.

NASA hiện theo dõi vị trí và quỹ đạo của khoảng 28.000 tiểu hành tinh, xác định chính xác chúng bằng Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động trên mặt đất (ATLAS), gồm bốn kính viễn vọng có thể thực hiện quét toàn bộ bầu trời mỗi ngày.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2017, đến nay ATLAS đã phát hiện hơn 700 thiên thạch gần Trái đất và 66 sao chổi. Hai trong số ấy đã thực sự va vào Trái đất. Đó là một thiên thạch nhỏ phát nổ ngoài khơi bờ biển phía nam Puerto Rico và vụ rơi sau đó gần biên giới Botswana và Nam Phi. May mắn thay, những thiên thạch đó nhỏ và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho con người.

NASA đã ước tính quỹ đạo của tất cả các vật thể gần Trái đất cho đến tận cuối thế kỷ này. Các dự báo được đưa ra là Trái đất sẽ không phải đối mặt với mối nguy hiểm nào từ một vụ va chạm với tiểu hành tinh trong ít nhất 100 năm tới.

Tuy nhiên, khoa học hiện đại không có nghĩa là không có sai sót, nhất là trong trường hợp một thiên thạch bay sát Trái đất như 2022 RM4. Do vậy, NASA hiện vẫn đang theo dõi thiên thạch này và liên tục đưa ra những cảnh báo mới.

Mặc dù phần lớn các vật thể đi ngang qua sẽ không khiến Trái đất rơi vào diệt vong như trong phim viễn tưởng, nhưng theo các nhà khoa học, chúng vẫn có rất nhiều tác động tàn phá đến Trái đất, buộc chúng ta phải cảnh giác.

Ví dụ, vào tháng 3-2021, một thiên thạch đã phát nổ trên bầu trời Vermont (Mỹ) với sức mạnh của 200 kiloton thuốc nổ TNT. Vào năm 2013, một thiên thạch phát nổ trong bầu khí quyển phía trên thành phốChelyabinsk, miền trung nước Nga, đã tạo ra một vụ nổ tương đương khoảng 400-500 kiloton TNT, gấp hơn 30 lần năng lượng do quả bom Hiroshima phóng ra.

Trong vụ nổ năm 2013, những quả cầu lửa giội xuống thành phố và các vùng lân cận, làm hư hại các tòa nhà, đập vỡ cửa sổ và làm bị thương khoảng 1.500 người.

Vì lý do này mà các cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới đã và đang tìm cách để làm chệch hướng của các thiên thạch có đường đi qua quỹ đạo Trái đất.

 

MINH HẢI (Theo Livescience)

Tags:

nasa

thiên thạch khổng lồ

tòa nhà chọc trời

quỹ đạo trái đất

nhà khoa học

tòa nhà cao nhất thế giới

tiểu hành tinh

va chạm thiên thạch

Tin cùng chuyên mục