Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Cao Bằng 17 người chết, 38 người mất tích
Đến 6h sáng 10-9, bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra lũ lụt, sạt lở đất làm 63 người chết, 40 người mất tích, 752 người bị thương, gần 50.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại.
Toàn cảnh TP Thái Nguyên trong trận lụt lịch sử - Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Đó là con số thống kê nhanh do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện.
Mưa lớn kéo dài gây lũ lớn lịch sử trên các sông Hồng, sông Cầu, sông Lục Nam... gây ra ngập lụt diện rộng tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Nội.
Yên Bái hơn 10.000 nhà dân bị ngập lụt, 7 người chết.
Nhiều xã tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu trong mưa lũ - Ảnh: Công an Bắc Giang
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đến 6h sáng nay, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 7 người chết, 2 người mất tích và 10 người bị thương.
Về nhà, có 13.558 nhà bị ảnh hưởng, ngập lụt, thiệt hại. Trong đó có khoảng 2.337 nhà phải di dời khẩn cấp.
Lũ sông Hồng vượt mức lịch sử gần 1m (tính đến 5h sáng nay) đã làm gần 8.000 nhà dân ở thành phố Yên Bái bị ngập lụt, có nơi ngập sâu tới 4m. Hơn 3.200ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng...
82 người chết, 64 người mất tích
Thống kê đến 13h ngày 10-9:
- Về người: 146 người chết, mất tích (82 người chết, 64 người mất tích), cụ thể:
Cao Bằng: 55 người tại huyện Bảo Lạc (19 người chết, 36 người mất tích).
Lào Cai: 30 người (19 người chết, 11 người mất tích), gồm: Sa Pa 8, Bát Xát 10, Si Ma Cai 4, Bắc Hà 6, Văn Bàn 2.
Yên Bái: 28 người do sạt lở đất (22 người chết, 6 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 14, Văn Chấn 1.
Quảng Ninh: 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người).
Hải Phòng: 2 người chết do bão.
Hải Dương: 1 người chết do bão.
Hà Nội: 1 người chết do bão.
Hòa Bình: 4 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn.
Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn.
Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
Phú Thọ: 8 người mất tích (sự cố sập cầu Phong Châu).
Đường sắt dừng chạy tàu qua cầu Long Biên
Ông Phan Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho- cho biết sáng 10-9 đã quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng dâng cao vượt mức giới hạn chạy tàu, lại chảy xiết.
Do vậy, các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng chuyển sang khai thác tại ga Gia Lâm. Từ ngày 11-9, Tổng công ty Đường sắt sẽ căn cứ nhu cầu hành khách, tình hình thời tiết để quyết định khai thác số lượng tàu phù hợp.
Riêng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai,. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạm dừng khai thác tàu khách và tàu hàng do lũ ngập sâu nhiều điểm, đặc biệt những đoạn qua Yên Bái. Sau khi lũ rút, ngành đường sắt sẽ khảo sát tình trạng đường để quyết định thời điểm chạy tàu trở lại
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã khai thác trở lại
12h trưa 9-10, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho xe lưu thông bình thường sau khi nước rút dần.
Trước đó, sáng sớm 10-9 nước từ ruộng và đường gom đã tràn vào km191+400 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, gây ngập 10-20cm tại các làn xe khẩn cấp, làn số 3 và số 2 (làn số 1 sát dải phân cách giữa ngập ít).
Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, tạm cấm xe cả hai chiều để đảm bảo an toàn cho các phương tiện từ 7h25. Xe vào cao tốc này được phân luồng ra quốc lộ 1 hoặc đường đê sông Hồng.
Từ 9h sáng 10-9 nước rút dần, đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho xe lưu thông trở lại bình thường.
Yên Bái: Lũ ở mức lịch sử, 22 người chết, 6 người mất tích
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, tính đến sáng 10-9, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích do mưa lũ. Trong đó 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người).
Đến trưa nay, TP. Yên Bái và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông chia cắt.
Mưa lũ làm hơn 10.000 ngồi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, trong đó hơn 7.900 nhà ở thành phố Yên Bái.
Lực lượng cứu hộ tiếp tế lương thực cho hộ dân ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái - Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 9-9 đến ngày 10-9 có mưa to đến rất to và dông Trên sông Thao tại Yên Bái lũ vẫn đang tiếp tục lên.ư
Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái. Ông yêu cầu chính quyền tỉnh phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc và nhấn mạnh "sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất".
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn, bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
Hàng trăm cảnh sát cơ động hỗ trợ người dân Lào Cai, Yên Bái chạy lũ
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chỉ đạo Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ xuống các phường Cốc Lếu, Kim Tân... thuộc tỉnh Lào Cai và thị trấn Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái để sơ tán nhân dân ra khỏi vũng lũ, sạt lở đến nơi an toàn.
Đồng thời 100% cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc được trang bị đầy đủ.
Cảnh sát cơ động hỗ trợ người dân Lào Cai, Yên Bái chạy lũ - Ảnh: Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động
Cấm đường ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập
Cục Cảnh sát giao thông sáng nay cho biết khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, không đảm bảo cho các xe di chuyển.
Do vậy , Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 3 tổ chức cấm đường, không cho xe đi cả 2 chiều. Cảnh sát cho hay căn cứ tình hình thực tế, khi đảm bảo an toàn cả 2 chiều mới cho xe cộ di chuyển.
Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Đội Cảnh sát giao thông số 14 Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp, tổ chức cấm đường ngay đầu vào cao tốc. Xe cộ được hướng dẫn đi theo tuyến quốc lộ 1 về phía nam.
Đội Cảnh sát giao thông số 8 và Công an huyện Thường tín, Thanh Trì, Phú Xuyên phối hợp phân luồng các điểm ra cao tốc theo cả chiều Cầu Giẽ - Hà Nội và ngược lại. Công an tỉnh Hà Nam, Ninh Bình hỗ trợ phân luồng, giảm bớt các xe đi vào cao tốc theo chiều về Hà Nội.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập nặng
Toàn tuyến đường Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở tắc dài, dòng người nhích từng bước trong mưa - Ảnh: NGỌC AN
Đêm 9-9 rạng sáng 10-9, Hà Nội đã có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ngập nặng.
Nhiều tuyến đường giao thông tại các khu vực của Hà Đông, Hoài Đức, Nam Từ Liêm bị ngập sâu, xe di chuyển cực kỳ khó khăn.
Trong đó, từ sáng sớm, tuyến đường Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) ngập nặng, kéo dài từ gần cổng Bệnh viện 103 đến Tân Triệu, Yên Xá, Bệnh viện K nên lực lượng chức năng phải đặt biển cảnh báo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Tuấn (Phúc La- Hà Đông) cho biết sáng nay đang đưa con đi học ở một trường tiểu học trong Văn Quán.
Theo anh Tuấn, dù đường đến trường chỉ còn cách 200m nhưng anh không thể đi xe máy vì nước ngập hơn nửa bánh xe.
Trong khi đó, bất lực trước tình trạng tắc đường khi ngay đầu phố Phùng Hưng đặt biển cảnh báo "Khu vực nước ngập nguy hiểm", chị Hương đứng chôn chân trên đường khi dòng người tắc nghẽn không thể di chuyển.
Đường Phùng Hưng chỉ có thể đi một chiều ngược lại từ đường Cầu Bươu, Tân Triều, Xa La về hướng Trần Phú, còn chiều ngược lại không thể di chuyển. Dòng người vì thế càng tắc nghẽn.
Ghi nhận đến hơn 8h30 sáng, nhiều người vẫn không thể đến được cơ quan vì đường ngập khắp nơi và tắc đường.
Dòng người đi về hướng Phùng Hưng - Tân Triều di chuyển rất khó khăn do đường ngập - Ảnh: NGỌC AN
Tags:bão số 3
bão yagi
lũ lụt
ngập lụt
miền bắc
Tin cùng chuyên mục