Hai chuyện tình buồn khắc khoải và có thật trong thảm kịch chìm tàu Titanic
Chuyện tình của cặp vợ chồng mất nhau trong tuần trăng mật
Nàng Rose và sợi dây chuyền "Trái tim đại dương" trong phim "Titanic" (1997) (Ảnh: Daily Mail).
Sợi dây chuyền gắn viên kim cương xanh mang tên "Trái tim đại dương" từng xuất hiện trong bộ phim "Titanic" (1997) đã trở thành hình ảnh biểu tượng của phim. Ngoài đời thực, cũng có một món trang sức tương tự, đó là một mặt dây chuyền vàng lồng khung ảnh đã từng được tìm thấy dưới đáy đại dương, nơi có xác tàu Titanic.
Sợi dây chuyền thuộc về một người phụ nữ sống sót sau vụ chìm tàu, nhưng người chồng của bà thì vĩnh viễn ở lại dưới lòng biển sâu. Ở thời điểm hơn 100 năm sau khi xảy ra vụ chìm tàu Titanic, người ta đã tìm thấy một vali hành lý, trong đó có một mặt dây chuyền bằng vàng có chạm khắc hai chữ cái cách điệu "VC".
Tra cứu lại tên của các hành khách từng có mặt trên tàu, người ta thấy trùng khớp với tên của một nữ hành khách có mặt ở trên khoang hạng nhất - bà Virginia Estelle McDowell Clark. Bà Virginia Clark lên tàu Titanic cùng với chồng - ông Walter Miller Clark.
Khi có mặt trên tàu Titanic, vợ chồng nhà Clark đang trên đường trở về Mỹ sau kỳ nghỉ tuần trăng mật ở Châu Âu. Tuần trăng mật này được cặp đôi thực hiện khá muộn, bởi khi đó, họ đã có một cậu con trai tên James. Hai người trở về Mỹ sau tuần trăng mật muộn, họ dự định sẽ cùng con trai đón mừng sinh nhật, lúc ấy, cậu bé đang đợi ở nhà cùng với ông bà nội.
Theo bà Virginia Clark kể lại về sau này, lúc tàu Titanic gặp nạn, chồng bà đang chơi bài, bà liền chạy lại báo tin cho chồng biết. Hai người nhanh chóng lên boong. Ông Walter giúp vợ tìm được một chỗ trên thuyền cứu hộ, nhưng chính ông không thể tìm được một chỗ nào cho mình. Sau cùng, ông Walter Clark đã qua đời trong thảm kịch chìm tàu, thi thể của ông không được tìm thấy.
Mặt dây chuyền của nữ hành khách Virginia Estelle McDowell Clark có mặt trên khoang hạng nhất của tàu Titanic (Ảnh: Daily Mail).
Ngày 10/4/1912, con tàu Titanic thực hiện chuyến hải trình đầu tiên từ cảng Southampton của Anh tới New York, Mỹ. Tàu Titanic được cho là con tàu lớn nhất, tối tân, sang trọng nhất thời bấy giờ. Con tàu đã gặp nạn và chìm ngoài Đại Tây Dương vào ngày 15/4/1912 sau khi đâm phải một tảng băng trôi. Hơn 1.500 người có mặt trên tàu đã thiệt mạng trong thảm kịch này.
Trở thành góa phụ ngay sau tuần trăng mật, bà Virginia rất đau khổ, bà quyết định đi du lịch ở nhiều nơi trong nước Mỹ để khuây khỏa. Ở thời điểm vài tháng sau khi người chồng đầu qua đời, bà Virginia bí mật tái giá với một người đàn ông có tên John Stewart Tanner. Người đàn ông này hơn bà 8 tuổi và không có nghề nghiệp rõ ràng.
Cả hai người đều đã đi qua một cuộc hôn nhân và đều đã có con riêng, họ quyết định kết hôn trong bí mật. Chỉ khi mọi việc đã xong xuôi, họ mới gửi thư thông báo cho gia đình và bạn bè.
Vì bà Virginia không dành nhiều thời gian cho con trai nhỏ sau khi chồng qua đời, nên cha mẹ của người chồng quá cố đã kiện bà ra tòa vì thiếu trách nhiệm đối với con cái. Sau vụ kiện, bà Virginia phải chia sẻ quyền nuôi con với cha mẹ của người chồng quá cố. Cậu bé James luân phiên sống với mẹ ruột và với ông bà nội kể từ đó.
Cảnh trong phim "Titanic" (Ảnh: Daily Mail).
Sau này, bà Virginia ly hôn lặng lẽ ở một thời điểm nào đó trong khoảng thời gian từ năm 1917 đến năm 1922. Sau khi ly hôn, bà đi du lịch vòng quanh Châu Âu. Bà Virginia kết hôn lần thứ 3 với một người đàn ông có tên Louis Harold Rush - một kiến trúc sư. Dù vậy, cuộc hôn nhân này cũng không đưa lại cho bà Virginia hạnh phúc, bà ly hôn một cách chóng vánh sau khi kết hôn.
Đến năm 1930, bà Virginia tái hôn với người chồng cũ - John Stewart Tanner và sống với ông John cho tới khi ông qua đời vào năm 1956. Sau đó, bà Virginia không tái hôn thêm nữa, bà qua đời ở tuổi 73 hồi năm 1958. Bà được chôn cất bên cạnh phần mộ của ông John tại Los Angeles (Mỹ).
Trong cuộc đời mình, bà Virginia chỉ có một người con trai với người chồng đầu. Người con trai của bà có kết hôn nhưng không có con và sớm qua đời ở tuổi 51.
Chuyện tình buồn của người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc trên tàu Titanic
Khi tàu Titanic chìm xuống đại dương, ban nhạc trên tàu cũng cùng chịu cảnh bi kịch với con tàu. Gần 100 năm sau thảm kịch hàng hải, người ta tìm thấy lại cây vĩ cầm của vị nhạc trưởng và đem... bán đấu giá, đạt mức 1,7 triệu USD. Lúc này, chuyện tình đẹp và buồn của nhạc trưởng Wallace Hartley gắn liền với kỷ vật là cây vĩ cầm đã được nhắc nhớ lại.
Ảnh chân dung của nhạc trưởng Wallace Hartley lồng trong một mặt dây chuyền được hôn thê của ông lưu giữ (Ảnh: Daily Mail).
Cây vĩ cầm vốn đã bị thất lạc trong vài thập kỷ, nhưng vào năm 2006, con trai của một người nhạc công đã tìm thấy cây đàn này nằm trên tầng gác mái nhà mình và quyết định đem rao bán đấu giá. Trên thân đàn có một mảnh bạc chạm khắc những thông tin giúp làm rõ nguồn gốc cây đàn.
Sau 7 năm phối hợp với các nhà nghiên cứu, sau cùng, nhà đấu giá khẳng định chắc chắn rằng cây vĩ cầm được đem đến cho họ chính là cây đàn mà nhạc trưởng Hartley từng chơi trên tàu Titanic.
Ngay sau khi con tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi trong đêm ngày 14/4/1912, vị nhạc trưởng 33 tuổi đã triệu tập ban nhạc, họ đã cùng nhau chơi đàn giữa cơn hoảng loạn. 8 nhạc công đã cùng nhau đứng biểu diễn trên boong tàu trong khi hành khách hoảng loạn tìm cách lên thuyền cứu hộ.
Ban nhạc cứ tiếp tục chơi cho tới khi kết cục bi thảm nhất đến với họ. Được biết trong những giờ phút cuối cùng, họ đã chơi bản nhạc "Nearer, My God, To Thee" (tạm dịch: Gửi Người, con đang tới gần hơn với Chúa).
Nhạc trưởng Hartley và 7 thành viên trong ban nhạc cùng với hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn đã ra đi trong thảm kịch hàng hải.
Hôn thê của nhạc trưởng - cô Maria Robinson (Ảnh: Daily Mail).
Cây vĩ cầm của nhạc trưởng Hartley đã lênh đênh trên đại dương vài ngày trước khi được tìm thấy. Có hai vết nứt dài trên thân đàn, bởi việc lênh đênh trên đại dương và bị ngấm nước đã khiến gỗ đóng đàn bị co ngót.
Với tấm lòng của người nghệ sĩ, nhạc trưởng Hartley trong phút cuối đời đã cất đàn vào chiếc hộp đựng đàn bằng da.
Có người cho rằng nhạc trưởng Hartley muốn lợi dụng sức nổi của chiếc vali, những mong cứu được cả mình và cây đàn. Có người lại cho rằng Hartley biết mình sẽ chết nên trong giờ phút cuối cùng, ông đã ôm chặt tình yêu lớn của cuộc đời mình - cây vĩ cầm.
Khi tìm thấy thi thể của nhạc trưởng Wallace Hartley ít ngày sau khi xảy ra thảm kịch hàng hải, người ta thấy vị nhạc trưởng quá cố vẫn còn ôm chiếc hộp đàn, nhạc trưởng Wallace Hartley qua đời ở tuổi 33.
Cây đàn vốn là do vị hôn thê của nhạc trưởng - cô Maria Robinson - dành tặng như một món quà đính ước. Trên miếng bạc gắn ở thân đàn có khắc dòng chữ: "Dành tặng anh Wallace nhân ngày đính hôn của chúng mình. Maria."
Sau thảm kịch hàng hải, người ta đã đem trao lại cho cô Robinson cây đàn cùng với những vật dụng cá nhân khác của nhạc trưởng Hartley. Cô Robinson về sau không lấy ai khác và qua đời ở tuổi 59. Sau khi bà Robinson qua đời, cây đàn bắt đầu bước vào hành trình lưu lạc, người ta vốn tưởng cây đàn đã vĩnh viễn bị thất lạc, cho tới khi nó được tìm thấy lại hồi năm 2006.
Gần 100 năm sau thảm kịch hàng hải, người ta tìm thấy lại cây vĩ cầm của vị nhạc trưởng và đem... bán đấu giá (Ảnh: Daily Mail).
Trong cuốn nhật ký của cô Maria Robinson - hôn thê của nhạc trưởng Hartley, vào ngày 19/7/1912, sau khi nhận lại được cây đàn của hôn phu quá cố, cô Robinson đã viết vào nhật ký: "Mình dành sự biết ơn vô hạn cho những người đã mang về đây cây đàn của anh. Cây vĩ cầm giờ đây sẽ là sợi dây kết nối tình yêu giữa mình và anh ấy".
Cô Maria Robinson chỉ xin nhận lại cây vĩ cầm, những món đồ tùy thân khác của nhạc trưởng Hartley đều được cô gửi lại cho cha ruột của nhạc trưởng Hartley.
Về sau này, khi biết cô Robinson quyết định ở vậy, cha của nhạc trưởng Harley lại gửi tặng tất cả những món di vật của con trai mình cho cô Robinson. Cây vĩ cầm cùng những món di vật đã được bà Robinson gìn giữ cẩn thận cả đời. Sau khi bà qua đời, những món đồ trong nhà bà bắt đầu bị phân tán và thất lạc.
Đến năm 2006, khi quyết định đem bán đấu giá cây đàn của nhạc trưởng Hartley, người chủ giấu tên của cây đàn khi ấy đã chia sẻ với nhà đấu giá: "Tôi nghĩ mình nên làm điều có ý nghĩa nhất đối với cây vĩ cầm. Hiện tại, nó đã không còn chơi được nữa, nhưng tôi tin nó vẫn có một câu chuyện rất đáng được kể lại".
Theo Daily Mail
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Văn hóa
Tin cùng chuyên mục