Cô bé bán vé số thành bà chủ chục quán bún bò, giúp đỡ người khốn khó
Nhớ thời khốn khó, bà chủ hàng chục quán bún bò ở TP.HCM sẵn sàng bao bọc những hoàn cảnh khó khăn.
Chuyến đi năm 8 tuổi
Sở hữu hàng chục quán bún bò tại TP.HCM, có hơn 50 nhân viên nhưng chị Trương Thị Hạnh (39 tuổi, quận Bình Thạnh) vẫn thường tự tay chuẩn bị phần ăn cho thực khách.
Chị Hạnh có hơn 20 năm bán hàng ăn uống, trong đó 12 năm gần đây chỉ bán bún bò Huế. Nhờ bán món ăn này, cuộc sống gia đình chị dư dả, mua được nhà tại TP.HCM, xây biệt thự ở quê chồng, mua ô tô…
Chị Trương Thị Hạnh kể lại chuỗi ngày vượt gian khó. Ảnh: Ngọc Lài
Chị Hạnh vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Mùa hè năm lên 8 tuổi, chị theo cô ruột vào TP.HCM. Lần đó, cô đi tìm con trai, còn chị vào chơi cho biết.
Tại đây, cô của chị Hạnh thuê phòng trọ ở con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Hàng ngày, cô quẩy gánh bún riêu bán dạo, còn chị Hạnh ở nhà trông con cho cô.
Ở xóm trọ một thời gian, chị Hạnh chơi cùng nhóm bạn bán vé số. Họ thường kể chuyện đi bán vé số cho chị nghe. Thấy bạn bè bán có tiền, chị thích thú, xin cô cho bán vé số, đậu phộng luộc…
Lúc đầu, chị Hạnh chưa biết đường, cầm xấp vé số, lẽo đẽo theo mấy đứa trẻ chung dãy trọ. Vài ngày sau, chị quen dần, tách ra bán riêng. Không ít lần, chị bị kẻ xấu giật sạch vé số. Hoảng sợ, chị đứng khóc nức nở. Người đi đường thấy tội nghiệp, dừng lại cho tiền.
“Nhiều người tốt bụng, cho tôi từ 500 đến 1.000 đồng. Mỗi người một ít, gom lại cũng gần bằng số tiền tôi mất”, chị Hạnh chia sẻ.
Vài ngày, chị dành dụm 5.000 đồng bỏ vào ống heo. Chị nhớ, lần đầu đập heo đất, được 150.000 đồng. Chị gửi về quê cho mẹ 100.000 đồng.
Ngoài gửi tiền về quê, chị Hạnh còn gửi thư rủ mẹ và hai em vào TP.HCM làm việc. Trong thư, chị nhắn với mẹ rằng, TP.HCM dễ kiếm tiền. Mỗi ngày, chị bán vé số cũng kiếm được 5.000 - 6.000 đồng. Trong khi đó, mẹ chị ở quê làm ngày làm đêm cũng chỉ có 2.000 - 3.000 đồng.
Nhận thư của con gái kèm số tiền, mẹ chị vội vàng dắt hai con nhỏ vào TP.HCM. Hàng ngày, bà đi bán trái cây, đậu phộng luộc, bánh canh, bún riêu, còn chị Hạnh vẫn rong ruổi cùng những xấp vé số.
Bán vé số được 6 năm, chị Hạnh lớn phổng phao, thường bị thanh niên, đàn ông say xỉn chọc ghẹo. Chị mắc cỡ, không bán vé số, chuyển sang bán canh bún, bún riêu giống mẹ.
Dù đã làm bà chủ nhưng chị Hạnh vẫn vào bếp, phục vụ thực khách. Ảnh: Ngọc Lài
Mỗi ngày, chị gánh canh bún, bún riêu bán dạo quanh xóm. Khách ăn riết cũng chán, đề nghị chị nấu thêm món mới. Chiều khách, chị nấu mì Quảng, bún bò Huế, hủ tiếu… Trong đó, món bún bò Huế của chị được thực khách yêu thích nhất.
Nhận người khó khăn, thiếu nợ vào làm
Với gánh hàng rong, chị Hạnh không thể đưa gia đình thoát khỏi cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2012, chị sinh con thứ 2 thì gia đình chuyển về Thủ Đức. Lúc này, vợ chồng chị lâm cảnh nợ nần, không có vốn làm ăn.
Chị Hạnh kể: “Khu vực đó có nhiều người bán hủ tiếu gõ, phở nhưng tôi không thấy có quán bún bò. Vì vậy, tôi vay mượn của bà con một ít, làm liều thuê vỉa hè, mở tiệm bán bún bò.
Trời thương, quán đắt khách vô cùng, có ngày bán được cả tạ bún. Thế nhưng, người ta thấy tôi bán đắt nên lấy lại mặt bằng, cho người nhà bán. Tôi hụt hẫng hết một khoảng thời gian”.
Món bún bò của chị Hạnh được nấu từ các nguyên liệu nhập từ quê nhà. Ảnh: Ngọc Lài
Vực dậy tinh thần, chị Hạnh tiếp tục thuê mặt bằng mới, mở quán khác. Mỗi ngày, chị bán từ 17 - 24h, nhưng lượng khách đông chưa từng thấy.
Đỉnh điểm, lợi nhuận mỗi ngày một quán ăn của chị Hạnh thu vào khoảng 4-5 triệu đồng. Kinh doanh trong khoảng 3 năm, chị Hạnh đủ tiền mua được một căn nhà nhỏ trong hẻm ở TP.HCM. Ngày đầu tiên dọn vào nhà mới, vợ chồng chị cứ ngỡ mình đang nằm mơ.
Chị nhớ: “Ngày trước còn ở trọ, mỗi lần chồng tôi uống rượu, vợ chồng cự cãi, gây ồn ào. Chủ trọ bực tức, ném đồ, đuổi chúng tôi đi hoài. Đến lúc có nhà riêng rồi, tôi không sợ cảnh bị đuổi đi nữa. Có nhà rồi, chồng tôi cũng ít nhậu, lo làm ăn hơn trước”.
Việc kinh doanh đang thuận lợi, chị Hạnh hay tin mẹ chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Ngay lập tức, chị giao phần lớn công việc cho nhân viên thân tín, về Quảng Ngãi xây nhà to, phụng dưỡng mẹ chồng.
Hai năm qua, chị ở Quảng Ngãi nhiều hơn, tự nhận bỏ bê công việc. Căn nhà lớn ở quê vừa hoàn thành, chị trở lại TP.HCM quyết tâm tập trung vào kinh doanh.
Nhiều người nói ra nói vào, bảo chị sự nghiệp đang lên lại bỏ ngang về quê chăm mẹ chồng. Chị chỉ cười, tự ngẫm: “Mình sống với cha mẹ thế nào, sau này con cái sống với mình giống vậy”.
Không chỉ giữ tròn chữ hiếu, với người thân quen, nhất là chỗ ơn nghĩa, chị Hạnh sống rất trọn vẹn. Chị vui vẻ “gánh nợ” thay cho cô họ, người từng hướng dẫn chị đi bán hàng ở quận 1.
Nhân viên mượn tiền người khác không trả, bỏ trốn, chị Hạnh cũng đứng ra trả thay. Mùa dịch, người ta nghĩ đủ cách sa thải bớt nhân viên, chị mở thêm chi nhánh để mọi người có việc làm.
“Nhân viên đến làm việc chỗ tôi có nhiều hoàn cảnh khổ vô cùng. Nhiều người thiếu nợ nên tôi hỗ trợ công ăn việc làm.
Tôi lo chỗ ăn chỗ ở, tiền lương hàng tháng nhân viên chỉ để dành trả nợ thôi.
Nhiều người nói tôi dài tay, ai cũng giúp. Thực ra, tôi từng khổ nên thấy người khác khổ mà mình ngó lơ thì ăn ngủ không yên. Giúp được họ, mình thấy hào hứng, còn không thì lương tâm cắn rứt lắm”, chị Hạnh tâm sự.
Chị Hạnh sẵn lòng nhận người khó khăn vào làm việc tại quán. Ảnh: Ngọc Lài
Hiện tại, chị trực tiếp quản lý hàng chục cửa hàng bún bò có đăng ký thương hiệu độc quyền với hơn 50 nhân viên. Ngoài ra, chị còn tạo điều kiện nhượng quyền giá 0 đồng cho hàng chục chi nhánh khác.
Với người phụ nữ đi lên từ gian khó này, tạo công ăn việc làm cho mọi người mới là đích đến quan trọng nhất.
tin liên quan
Bình luận
Tags:Bà chủ
Tin cùng chuyên mục