Cặp đôi trẻ Malaysia thu nhập 6 con số mỗi tháng từ kem chay
Khi Ishpal và Serina Bajaj đến một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur, Malaysia để mở một cửa hàng kem thuần chay, họ đã bị từ chối.
"Họ cười nhạo chúng tôi, ý muốn nói không ai thích ăn kem có nguồn gốc từ thực vật", Ishpal nói.
Tuy vậy, cặp đôi đã cố gắng tạo ra loại kem không chỉ thuần chay mà còn "có vị ngon giống như bất kỳ loại kem nào", Serina nói.
Ishpal và Serina Bajaj - người sáng lập công ty Kind Kones, chuyên sản xất kem từ thực vật (Ảnh: Vulcanpost.com).
Cuối cùng, Ishpal và Serina tìm được vị trí để mở cửa hàng tại một trung tâm mua sắm khác, và cặp đôi biết rằng họ đã đi đúng hướng. "Chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp vô cùng lớn và kiếm được khoảng 8.500 - 10.000 USD mỗi tháng", Ishpal chia sẻ.
Nhà đồng sáng lập Kind Kones cho biết doanh thu hiện tại của công ty "gấp 20 lần" số tiền đó với 4 cửa hàng trên khắp Malaysia và Singapore.
Từ một dự án cá nhân nhỏ, cặp đôi trẻ ở độ tuổi ba mươi này đã phát triển thành một doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD.
Lợi thế của người tiên phong
Sau khi Serina sinh con đầu lòng vào năm 2017, cô đột nhiên mắc chứng dị ứng với sữa, điều này đã thúc đẩy cô thử nghiệm và làm ra loại kem thuần chay tại nhà.
Thách thức lớn nhất đối với cô là tìm ra cách tạo ra món tráng miệng hoàn toàn từ thực vật mà không ảnh hưởng đến hương vị.
"Dừa là một trong những nguyên liệu chính, nhưng vấn đề là làm sao giảm bớt đi vị dừa đó để món kem có vị trung tính nhất có thể", Serina chia sẻ.
"Đó là một thách thức. Chúng tôi đã thử rất nhiều công thức và thất bại nhiều lần. Và thật may mắn, cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách", cô nói thêm, tuy nhiên không tiết lộ công thức bí mật đó.
Mặc dù kem thuần chay có vị rất hấp dẫn nhưng Ishpal và Serina vẫn lo lắng không biết món tráng miệng này có được yêu thích hay không.
"Hồi đó, rất ít người ở Malaysia theo chủ nghĩa ăn chay và các món chay thường được gắn mác nhạt nhẽo", Serina giải thích.
Cặp đôi chia sẻ rằng để mọi người tin dùng sản phẩm của họ là một thách thức rất lớn, đặc biệt là khi có vô số nhãn hiệu kem ngoài thị trường.
"Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong thời gian đầu, mọi người tránh xa món kem của chúng tôi và đặt câu hỏi tại sao họ nên ăn nó. Nhiều người quan niệm rằng kem làm từ thực vật hoặc kem thuần chay không ngon", Ishpal Bajaj nói.
Đối với cả Ishpal và Serina, những người không có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, việc bỏ ra hơn 140.000 USD đầu tư vào Kind Kones trong năm đầu tiên là một "canh bạc".
Song, họ nhanh chóng nhận ra rằng, họ có "lợi thế của người tiên phong" làm kem có nguồn gốc thực vật với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.
"Nhiều khách hàng đến và nói với chúng tôi rằng họ chưa bao giờ ăn kem vì chúng làm từ sữa", Serina nói.
Cặp đôi cũng nhận ra rằng món tráng miệng của họ không chỉ hướng đến những người ăn chay mà còn cả những người mắc các bệnh về da như chàm và các bệnh dị ứng khác.
"Trẻ em là một phân khúc thị trường rộng lớn đối với sản phẩm của chúng tôi. Nhiều bậc cha mẹ mua kem thuần chay cho con cái vì nó không gây dị ứng", cô nói.
Vượt qua khó khăn ban đầu, Ishpal và Serina đem kem thuần chay đến với nhiều người, đặc biệt là những người ăn chay và người mắc bệnh dị ứng (Ảnh: Vulcanpost.com).
Giữ vững lập trường
Serina sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh bán lẻ thời trang ở Thái Lan. Nền tảng kinh doanh của gia đình là một lợi thế, nhưng cô cũng nhận ra rằng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống rất "khốc liệt".
"Bạn cảm thấy vui vẻ khi đi mua sắm. Nhưng khi bạn đói, bạn muốn đồ ăn phải xứng với số tiền bạn bỏ ra", cô giải thích.
Mặc dù cặp đôi trẻ đã phát triển các công thức làm kem có vị "mê hoặc" giống như những lựa chọn có nguồn gốc từ sữa, sản phẩm của họ vẫn không thể làm hài lòng mọi sở thích, Serina nói thêm.
"Có một số hương vị nhất định không bao giờ giống kem thông thường. Chẳng hạn, đối với kem dâu tây, chúng tôi sử dụng dâu tây thật và chúng tôi tạo độ ngọt cho nó bằng chuối", cô giải thích. "Cần có thời gian để làm quen với những hương vị như vậy. Đó là những gì chúng tôi đang hướng tới và cố gắng mang đến cho khách hàng hương vị thực sự".
Một trong những ý kiến phản hồi phổ biến cặp đôi nhận được từ khách hàng là kem thuần chay đắt hơn so với các nhãn hiệu khác.
"Kem thuần chay có giá cao hơn do nguyên liệu đầu vào rất đắt. Chúng tôi tự làm mọi thứ, ví dụ như sữa hạt, thay vì mua ở cửa hàng", Serina nói.
Trước tình trạng lạm phát và chi phí thực phẩm tăng cao, Ishpal cho biết họ buộc phải tăng giá sản phẩm. "Chúng tôi vừa ra mắt loại kem nhỏ hơn với giá hợp lý hơn để cung cấp thêm lựa chọn cho khách hàng", Ishpal nói.
Cặp đôi luôn chọn giữ vững quan điểm khi đối mặt với thử thách.
"Bạn phải dần làm quen với việc "chai lỳ" với những lời chỉ trích vì bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn nên tập trung phát huy thể mạnh của mình", Serina nói.
Ishpal cho biết phương châm đó dường như mang lại hiệu quả khi Kind Kones tăng gấp đôi doanh thu từ năm 2020 đến năm 2021. "Năm nay, chúng tôi đang trên đà tăng gấp đôi doanh thu một lần nữa", anh nói.
Kind Kones tập trung vào mục tiêu đưa sản phẩm vào các siêu thị và khách sạn (Ảnh: Design For Tomorrow).
Kế hoạch mở rộng kinh doanh
Đầu năm ngoái, Kind Kones thông báo đã huy động được 753.900 USD trong vòng gọi vốn do quỹ VC DSG Consumer Partners có trụ sở tại Singapore dẫn đầu.
Với số tiền này, cặp đôi có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh của Kind Kones. Serina chia sẻ rằng rất nhiều khách sạn và đối tác đã liên hệ với họ để hợp tác mang kem Kind Kones vào trong các khách sạn và văn phòng.
Cô cho biết thêm, ưu tiên của cả hai là đảm bảo rằng kem luôn sẵn sàng trên kệ tại các siêu thị và khách sạn. "Bằng cách đó, mọi người cũng sẽ dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn", Ishpal nói.
Tuy nhiên, thành công của thương hiệu không có nghĩa là cặp đôi sẽ sớm ngủ quên trong vinh quang vì Serina cho biết việc xây dựng và phát triển thương hiệu đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ
"Sản phẩm kem của chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chúng tôi liên tục thay đổi, nghiên cứu và phát triển", Serina chia sẻ.
Tương lai của cặp đôi này có vẻ tươi sáng khi họ đang hướng tới mở rộng việc kinh doanh sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan và Indonesia.
Theo một báo cáo chung năm 2021 từ PwC, Rabobank và Temasek, nhu cầu về các sản phẩm có nguồn gốc thực vật ngày càng gia tăng trên khắp châu Á. Nguyên nhân được cho là những người tiêu dùng trẻ giàu có ngày càng "quan trọng hóa" các nguy cơ sức khỏe và tác động của việc sản xuất thịt đến môi trường.
"Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật đã trở thành lối sống. Hơn nữa, con người ngày càng quan tâm đến môi trường", Serina nói và cho rằng: "Nó không phải là một xu hướng nhất thời mà sẽ ngày càng trở nên phổ biến".
Theo CNBC
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Kinh doanh
Tin cùng chuyên mục